Đại dịch Covid-19 khiến việc đi lại hầu như bị “đóng băng”, gây thiệt hại lớn về công việc và doanh thu với toàn bộ nền kinh tế nói chung cũng như ngành du lịch nói riêng.
Cho tới những ngày đầu tháng 4 này, ngành du lịch cùng với một lĩnh vực nó rất gắn bó là hàng không vẫn đang phải đối mặt với tương lai không chắc chắn do đại dịch Covid-19 gây ra.
Báo National Geographic ngày 2/4 đăng bài của nhà báo và cũng là tác giả viết sách về du lịch Elizabeth Becker phân tích khá kỹ về tác động của đại dịch Covid-19 với ngành du lịch toàn cầu.
Trước đó mặc dù cũng đã trải qua những thời điểm khó khăn lớn, nhưng thời 4.0 các tiến bộ công nghệ đã giúp đưa con người xích lại gần nhau hơn trong một thế giới phẳng.
Bởi thế du lịch trở nên dễ dàng và phổ biến hơn với giá cả phải chăng và phương tiện đi lại thuận tiện hơn rất nhiều. Theo ước tính của các chuyên gia, cách mạng công nghệ đã góp phần thúc đẩy khoảng 1 tỷ chuyến đi du lịch mỗi năm.
Nhưng đà tăng trưởng đang như dòng chảy mạnh mẽ bỗng bị chặn đứng bởi đại dịch mang tên Covid-19 mà không hề có dấu hiệu báo trước nào, vì bỗng chốc nó khiến cư dân hầu như toàn thế giới gần như phải “đứng im tại chỗ”.
Nêu chính xác thiệt hại về du lịch không dễ vì dữ liệu thay đổi rất nhanh theo đà lây lan của Covid-19. Nhưng Hội đồng Du lịch Thế giới (WTTC) cảnh báo: Nếu đại dịch tiếp tục kéo dài thêm vài tháng nữa, ngành du lịch toàn cầu sẽ chịu cảnh mất tới 75 triệu việc làm và khoảng 2,1 ngàn tỷ USD doanh thu.
Giám đốc điều hành WTTC Gloria Guevara – người đang vận động chính phủ các nước có những biện pháp hỗ trợ các hãng du lịch, nhấn mạnh rằng những tổn thất đó thực sự rất đáng lo ngại bởi ảnh hưởng nghiêm trọng tới hàng triệu gia đình trên thế giới.
Ngành du lịch Mỹ được cho là nằm trong số những ngành du lịch chịu thiệt hại nặng nề nhất, ước tính mất 4,6 triệu việc làm tính tới tháng 5 và vẫn có thể tăng thêm. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ cũng gia tăng hàng tuần, đã lên tới con số 6,6 triệu – gấp đôi trong vòng chỉ 1 tuần và tính đến nay là mức tăng đột biến lớn nhất trong 50 năm qua.
“Tác động (của Covid-19) đến du lịch lớn gấp 6 hoặc 7 lần so với tác động sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001” – Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hiệp hội Du lịch Mỹ Roger Dow nêu rõ.
Hiệp hội này giúp thúc đẩy xu hướng du lịch từ nước ngoài đến Mỹ cũng như du lịch nội địa, đồng thời cũng đại diện cho ngành công nghiệp không khói vốn tạo ra 2,6 ngàn tỷ USD cho sản lượng kinh tế và hỗ trợ cho 15,8 triệu việc làm tại Mỹ.
Trước nguy cơ mất nhiều tiền như vậy, Quốc hội Mỹ đã thông qua một khoản kích thích trị giá 2.000 tỷ USD được đánh giá là đúng thời điểm. Trọng tâm của gói kích thích này nhằm giúp đỡ những người thất nghiệp, đồng thời hỗ trợ cả các doanh nghiệp lớn và nhỏ.
Nhưng vẫn còn đó câu hỏi: Liệu gói hỗ trợ đó có đủ trong tình trạng suy thoái chung hiện nay và nó có ý nghĩa gì với du khách hay không?
Nhìn lại thời gian qua, đa phần ngành du lịch toàn cầu có vẻ như chỉ xây dựng chiến lược tài chính cho mình với tầm nhìn tương lai “không rắc rối” bởi biên giới mở, du cầu du lịch cao, một ngành công nghiệp trị giá 8.000 tỷ USD bất chấp sự thăng trầm của thị trường. Tóm lại là như kiểu chỉ thấy ngày nắng mà không tính tới ngày mưa, thậm chí cả ngày bão tố (!?)
Dẫu vậy cũng đang có dấu hiệu về khả năng sớm hồi phục ngành du lịch khi Trung Quốc – nơi khởi phát đại dịch – tuyên bố Covid-19 đã nằm trong tầm kiểm soát và các hạn chế đang được dỡ bỏ.
Ngay trong tuần đầu tiên của tháng 3, theo Bloomberg, việc đặt phòng khách sạn tại Trung Quốc đã tăng tới 40%, các chuyến bay cao điểm hàng ngày gia tăng tới 230% so với tháng trước (dù hạn chế đi lại).
Riêng thị trường du lịch nội địa Trung Quốc đã rất lớn với khoảng 5 tỷ chuyến đi mỗi năm. Theo kết quả một số khảo sát, ngành du lịch Trung Quốc cho biết họ có kế hoạch phục hồi 70% trong 6 tháng tới. Nhưng chủ yếu dựa vào du lịch nội địa bởi Trung Quốc vẫn hạn chế nghiêm ngặt du khách nước ngoài để đảm bảo không tái bùng phát dịch bệnh.
Trước đó tờ Wolf Street hôm 30/3 dẫn bản đánh giá cập nhật của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) về tác động của Covid-19, dựa trên quan điểm lạc quan rằng: Du lịch toàn cầu sẽ phục hồi nhanh chóng trong khoảng 3-4 tháng tới, dù phải chịu “cú sốc” thiệt hại rất lớn vì đại dịch Covid-19.
/uploadwb/hinhanh/ATEED_TA_Construction_04_284822019112410_s__86142020779_b_.jpg